Theo các cuộc nghiên cứu, chia tay với người yêu hay đón nhận tin người thân mất có thể làm tan vỡ trái tim ai đó, dẫn đến nguy cơ bị đau tim tăng cao.
Làm “chuyện ấy” tốt cho tim
Nếu không có điều kiện tập thể dục, bạn có thể làm “chuyện ấy” bởi điều đó sẽ mang lại ích lợi cho trái tim của bạn. Theo một cuộc nghiên cứu được tiến hành với 2.500 đàn ông trong độ tuổi từ 49 – 54, nếu họ đạt cực khoái ít nhất 3 lần/tuần thì nguy cơ chết vì bệnh động mạch vành (CHD) sẽ giảm xuống còn ½. Sex có tác dụng như một bài tập thể dục. Theo một số ước tính, một cuộc ân ái đầy đam mê có thể làm tăng nhịp tim của bạn lên gấp đôi và giúp cơ thể đốt cháy khoảng 200 calo, tương đương một cuộc chạy bộ nhanh 15 phút.
Bệnh tim mạch ở phụ nữ
Trong nhiều thập kỷ, cơn đau tim và các bệnh khác về tim vốn được coi là bệnh ở nam giới. Nhưng điều này không đúng. Trên thực tế, ở Mỹ mỗi năm có 500.000 phụ nữ đã chết vì bệnh tim trong khi số nam giới tử vong vì bệnh này thấp hơn nhiều. Triệu chứng bệnh tim ở phụ nữ là bị đau nhức, cảm giác như tim bị bóp chặt kèm theo đau lưng, đau hàm và nôn mửa.
Có thể thay tim mới?
Khi trái tim bị đau đớn vì tình, có thể bạn đã ước gì cắt bỏ được trái tim đó đi để thay bằng một trái tim mới hoặc ít nhất là có một bộ thiết bị giúp hồi phục vết thương. Một ngày nào đó những điều ước này sẽ trở thành hiện thực. Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu loài sa giông đốm đỏ nhằm tìm ra phương pháp chữa trị bằng tế bào dành cho những người có tim bị hủy hoại về mặt cơ học. Loài động vật lưỡng cư này có thể quay ngược thời gian tồn tại của tế bào về thời điểm chưa bị hư hại để tạo ra một cơ tim mới. Trong một cuộc nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã tạo ra một trái tim hoạt động từ các tế bào gốc phôi trong phòng thí nghiệm.
Sự liên quan giữa tim người và tim ngựa
Một cuộc nghiên cứu gần đây đã bổ sung ngựa vào danh sách những loài vật có tình cảm. Một nhà khoa học phát hiện thấy nhịp tim của ngựa phản ánh nhịp tim của người mà chạm vào chúng. Có thể một ngày nào đó, các bác sỹ sẽ dùng những chú ngựa biết nhận biết tình cảm này thay cho các phương pháp dùng để đo hàm lượng hocmon stress ở bệnh nhân.
Tim to không phải là điều tốt
Một số người có quả tim to hơn người khác. Quả tim to hơn không đồng nghĩa với nhiều tình cảm hơn mà đó có thể là dấu hiệu của một căn bệnh tim nào đó. Loại phổ biến nhất được gọi là bệnh cơ tim giãn, xảy ra khi buồng tim giãn căng ra. Việc phồng lên này làm giảm hoạt động bơm máu của tim, khiến cho các bộ phận của cơ thể không nhận đủ máu. Nếu không được chữa trị, tim có thể trở nên suy yếu.
Cười to rất tốt cho sức khỏe của bạn
Tiếng cười sảng khoái, thậm chí cười đến chảy cả nước mắt, có tác dụng tốt cho tim của bạn. Nghiên cứu chỉ ra rằng tiếng cười to có thể giúp màng trong thư giãn, làm tăng sự lưu thông máu lên tới 45 phút kể từ sau khi tiếng cười được bắt đầu. Màng trong bị tổn thương có thể khiến các mạch máu thu hẹp lại và gây ra các bệnh về tim mạch.
Hoạt động bơm máu
Trong vòng chưa đầy 1 phút, tim có thể bơm máu đến tất cả các tế bào của cơ thể. Và trong một ngày, khoảng 100.000 nhịp tim đã bơm hơn 7.500 lít máu chứa nhiều ôxy đi khắp 96.000 km các mạch máu phân nhánh mà liên kết các bộ phận và cơ quan trong cơ thể. Đó là một công việc đầy vất vả cho một bộ phận chỉ to bằng nắm tay.
Trái tim tan vỡ
Một trái tim tan vỡ (theo nghĩa bóng) có thể khiến chủ thể bị ngất. Theo các cuộc nghiên cứu, chia tay với người yêu hay đón nhận tin người thân mất có thể làm tan vỡ trái tim ai đó, dẫn đến nguy cơ bị đau tim tăng cao. Những tổn thương đó còn có thể sản sinh ra hocmon stress ở trong máu mà tạm thời làm tim “bất tỉnh”. Các triệu chứng của việc này giống như của cơn đau tim – đau ngực và khó thở. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ qua nhanh chóng sau khi chủ thể nghỉ ngơi, thư giãn.
Biểu tượng của tình yêu
Nặng hơn 280 gram, quả tim đã trở thành biểu tượng của tình yêu trên toàn thế giới. Tuy vậy, không ai biết chắc từ đâu trái tim lại được gắn liền với tình yêu. Một ý kiến cho rằng nguồn gốc của việc này là từ thời Hy Lạp cổ đại tại thành phố Cyrene, nay là thành phố Libya hiện đại. Thành phố này nổi tiếng với loài cây Silphium có quả hình giống trái tim. Silphium có tác dụng y học và cũng có thể được dùng như một loại thảo dược tránh thai.