Một thực tế đang được chứng minh, đó là giới trẻ hiện nay quan hệ tình dục khá sớm, có khi chỉ ở độ tuổi 15-16, các em đã rất “sành điệu” trong lĩnh vực này.
Có nhiều luồng ý kiến xung quanh hiện tượng này, giới trẻ thì kêu gọi xã hội nhìn nhận như đó là “quyền” của họ, nhưng cái quyền đó liệu có phải đi kèm trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội?
Chậm trễ về giáo dục giới tính
Cứ đà này, sinh hoạt tình dục sớm rất dễ trở thành một trào lưu trong một bộ phận giới trẻ. Điều này đã phá huỷ hoàn toàn công sức của cộng đồng trong nhiều năm qua để giáo dục các em có lối sống lành mạnh. Kể cả tại các nước phát triển có thái độ phóng khoáng với các vấn đề về tình dục (Đan mạch, Na Uy, Mỹ...) thì quan hệ tình dục sớm ở tuổi vị thành niên vẫn được coi là tiềm ẩn nhiều nguy cơ (mang thai không mong muốn, nạo thai, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS, dễ phát triển ung thư cổ tử cung).
Hơn ai hết, các bậc cha mẹ vẫn được khuyến cáo là có vai trò lớn trong sự hướng dẫn con em phát triển nhân cách tích cực theo những kỳ vọng của xã hội.
Tìm giải pháp cho vấn đề quan hệ tình dục sớm ở tuổi vị thành niên đang là thách thức toàn cầu. Và ở nước ta cũng vậy. Những vấn đề của tuổi vị thành niên không chỉ mới nổi lên gần đây. Nó đã có từ lâu và chính sự chậm trễ đưa giáo dục giới tính vào nhà trường là một trong những nguyên nhân sâu xa nhất.
Tìm giải pháp cho vấn đề quan hệ tình dục sớm ở tuổi vị thành niên đang là thách thức toàn cầu
Cần nhấn mạnh rằng, mục đích tối thượng của giáo dục giới tính là xây dựng cho trẻ vị thành niên có nhân cách tốt đẹp trong mối quan hệ nam nữ, biết quý trọng bản thân, biết tự bảo vệ và có trách nhiệm với nhau chứ không phải là môn học dạy về kỹ năng tình dục như nhiều người lầm tưởng.
Tổ chức IPPF (Liên đoàn quốc tế về Kế hoạch hoá gia đình và vai trò của các bậc cha mẹ) từ năm 1991 đã nêu ra những quyền về sức khoẻ sinh sản của vị thành niên, nhưng vẫn nhấn mạnh đến trách nhiệm bản thân của trẻ chứ không hề ủng hộ cho sự phóng túng, hưởng thụ.
Trách nhiệm của mẹ cha
Trong khi chờ đợi giáo dục giới tính trở thành một môn học trong nhà trường, con em chúng ta vẫn phải đối diện với quá nhiều cám dỗ và cạm bẫy. Vì thế, không ai khác, cha mẹ chính là người phải sát cánh bên cạnh con để giúp trẻ hiểu được quyền cũng như trách nhiệm của bản thân trước vấn đề tình dục và giới tính.
Nội dung giáo dục con cái cần hướng vào việc phát triển những phẩm chất ngay từ nhỏ để hình thành hành vi lành mạnh ở tuổi vị thành niên sau này:
Lòng tự tin, tự trọng, vị tha: Bằng sự thương yêu và chăm sóc trẻ, trẻ sẽ cảm thấy mình có giá trị, cảm thấy an toàn, từ đó hình thành dần lòng tự tin và những cảm nhận tích cực về chính bản thân nhưng không làm cho trẻ coi mình là trung tâm và không quan tâm đến người khác.
Thái độ đối với giới tính: Trẻ thường tò mò, đặt nhiều câu hỏi đôi khi làm cho người lớn lúng túng: Tại sao lại có em bé? Em bé được sinh ra như thế nào? Tại sao cô chú kia (trên màn ảnh) hôn nhau và không mặc quần áo?
Vì thế cẩn có sự tham gia của các bậc phụ huynh trong việc hướng dẫn các bạn teen
Những câu giải đáp khôn ngoan và làm yên lòng được trẻ là sự sáng tạo của các bậc cha mẹ có văn hoá, có hiểu biết. Với câu hỏi cuối cùng nói trên của trẻ, thái độ của bố mẹ thay vì ngượng ngập và gạt đi, có thể giải thích: Vì họ yêu nhau và chỉ khi yêu nhau người ta mới được quyền như vậy, chứ không phải với bất cứ ai...
Kỹ năng giao tiếp: nhất là giữa bố mẹ - con cái, sao cho con cái tiếp nhận được ý muốn của bố mẹ mà không cảm thấy bị xúc phạm. Dạy cho trẻ biết biểu lộ và kiềm chế những cảm xúc.
Khả năng nhận biết các giá trị và sống có niềm tin: Cha mẹ giúp con cái hiểu rằng, chính niềm tin đã dẫn dắt cuộc sống và mọi hành động của chúng (ví dụ tin rằng cuộc đời là đẹp, là đáng sống và chỉ có thể thành công bằng nỗ lực bản thân, bằng những việc làm chân chính...).
Hành vi có trách nhiệm và kỹ năng từ chối: Trẻ cần được giáo dục để có hành vi có trách nhiệm và biết từ chối những cám dỗ, vì cuộc sống luôn đặt ra những thách thức, những tình huống phải cân nhắc: Việc đó có ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ, sự an toàn cho bản thân, pháp luật, đạo đức...
Không có sự miễn trừ khi trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật như đua xe, lạm dụng ma tuý, giết người... Lối sống theo chiều hướng hưởng thụ, sa đoạ của một bộ phận vị thành niên là cảnh báo cho các bậc cha mẹ, thầy cô... về sự cần thiết phải quan tâm hơn nữa đến các em.
Không thể dừng lại ở sự thông cảm dễ dãi trước mỗi sai lầm của mỗi cá thể với lý do chưa đến tuổi trưởng thành và cha mẹ không thể là những người vô can