Với những chủ đề nhạy cảm như giới tính, cha mẹ nên bắt đầu bằng cách nói chuyện nhẹ nhàng nhưng cởi mở, tùy vào từng độ tuổi của con.
Từ tuổi lên 2, bé luôn đặt ra rất nhiều câu hỏi khiến các bậc cha mẹ cảm thấy bối rối.
- Mẹ ơi, em bé đã được sinh ra vì người lớn đã hôn nhau phải không ạ?
- Con đã đến nhà mình từ lúc nào? Tại sao trong ảnh cưới của bố mẹ lại không có con?
Đừng ngại ngùng trước những câu hỏi ấy của trẻ. Bạn nên hãnh diện vì con đã tìm chính bạn để hỏi chứ không phải ai khác. Bé thực sự rất nghiêm túc trong những câu hỏi như thế và muốn được cùng bạn “thảo luận” từ đầu đến cuối. Nếu cha mẹ cố ý lảng tránh, trẻ vẫn có thể tự tìm câu trả lời từ những nơi khác, có thể là của anh chị em họ, có thể là một người hàng xóm, có thể ở trên TV.
Và khi bạn không thể “kiểm soát” được những hiểu biết của trẻ thì mức độ thân mật giữa cha mẹ, con cái ngày càng xa rời. Trả lời mọi thắc mắc của con cũng là cách giúp cho tình cảm giữa bố mẹ và bé thêm phần gắn bó. Những câu trả lời về giới tính phải tùy thuộc vào độ tuổi và khả năng nhận thức ở mỗi trẻ.
Với những chủ đề nhạy cảm như giới tính, cha mẹ nên bắt đầu bằng cách nói chuyện nhẹ nhàng nhưng cởi mở, tùy vào từng độ tuổi của con
Trẻ từ 2 đến 3 tuổi
Khám phá cơ thể mình: Đừng hốt hoảng khi thấy bé luôn đưa tay chạm vào bộ phận sinh dục. Đây là cách rất tự nhiên để bé tìm hiểu và khám phá chính cơ thể mình. Cha mẹ nên coi đó là những hành động ngây thơ và trong sáng của bé. Nên tranh thủ những lúc như thế để dạy cho bé về các bộ phận trong cơ thể, về sự khác nhau giữa cơ quan sinh dục của bé trai và bé gái.
Bạn nên sử dụng những cách gọi tên chính xác về những bộ phận ấy để giúp bé làm quen và bớt lạ lẫm cho tới khi bé lớn hơn. Giải thích cho bé hiểu rằng bé không nên đưa tay vào bộ phận sinh dục ở những nơi công cộng, đông người, cũng giống như việc thay quần áo hoặc cởi truồng, nếu mọi người nhìn thấy sẽ “lêu lêu” bé và chẳng ai khuyến khích điều đó.
Trẻ từ 4 đến 7 tuổi
Tôn trọng sự riêng tư: Ở độ tuổi này, trẻ vẫn rất nhạy cảm với những bộ phận trên cơ thể mình và tò mò ở cả với những người khác, đặc biệt là người thường xuyên trông nom và chơi với bé. Cha mẹ cần giải thích cho bé hiểu, cơ thể của mỗi người đều thuộc “quyền sở hữu” của họ và không ai được động vào. Riêng với trẻ con thì chỉ có bố mẹ mới được phép chạm vào cơ thể của của bé để giúp bé đi tắm rửa và một vài công việc cá nhân khác mà bé chưa thể tự làm được. Sự giải thích ấy giúp bé phần nào tránh được những nguy cơ bị quấy rối tình dục trẻ em từ phía những người lớn “xấu bụng”.
Tiếp tục nhắc lại về vấn đề không được “phô” cơ thể ở nơi công cộng. Nếu bé đi bơi, bé cần mặc áo bơi. Bé nên thay quần áo ở trong nhà hoặc chỗ kín chứ không được thay ở nơi công cộng, nơi có nhiều người qua lại, nhìn ngó.
Nếu trẻ đưa ra thắc mắc về việc em bé đến từ đâu, nên giải thích đơn giản nhưng trung thực về các vấn đề thuộc giới tính theo cách kể chuyện, dùng hình tượng về sự liên quan của các bộ phận trong cơ thể, để bé phần nào hiểu được tình dục không phải là một điều gì đó xấu xa, nó là một “sự kiện” rất đặc biệt của bố và mẹ, nhưng “sự kiện” đó chỉ xảy ra ở những nơi riêng tư, và em bé có thể xuất hiện từ đó, từ tình yêu của những người bố và những người mẹ.
Trẻ từ 7 đến 9 tuổi
Con có bạn gái rồi đấy! Đứa con đáng yêu của bạn bỗng dưng tâm sự với bạn rằng “hắn” đang thích một cô bạn cùng lớp. Đừng ngạc nhiên và đừng nổi đóa với con. Thứ tình cảm ấy thực ra cực kỳ đơn giản và hết sức nhẹ nhàng. Điều này giống như sự ngưỡng mộ của con với một nhân vật tài năng nào đó. Có thể, con bạn đang cảm thấy rằng, cô bạn gái cùng lớp khá xinh xắn, dễ thương mà lại học giỏi, hoặc cũng có thể là bạn ấy hát hay và có một đặc điểm đáng yêu nào đó mà con bạn hâm mộ như nụ cười, giọng nói, những bộ váy áo đầy màu sắc giống như những con búp bê...
Khi được bé “tâm sự” về tình cảm của mình, bạn cũng nên nhân cơ hội này để trao đổi với bé về các mối quan hệ nảy sinh trong cuộc sống, quan hệ bạn bè, quan hệ nam nữ, thậm chí là cả những mối quan hệ cao hơn tình bạn. Tất nhiên, cách nói chuyện của bạn phải thật gần gũi, nhẹ nhàng và sử dụng những từ ngữ dễ hiểu, đơn giản để bé có thể tiếp thu.
Thay vì quá lo lắng vì cho rằng bé mới ngần này tuổi mà đã... tính chuyện yêu đương. Bạn nên hỏi thăm bé về cô bạn gái cùng lớp, về nguyên nhân khiến bé cảm thấy rằng cô bạn kia hơn hẳn những cô bạn gái khác. Qua đó, cha mẹ cũng có thể tạo dựng được một tình bạn đẹp, bền vững thông qua những tình cảm đáng yêu ấy. Bạn nên khuyến khích bé học hỏi và động viên rằng, cô bạn kia chắc chắn sẽ ngưỡng mộ bé nếu bé luôn đứng ở vị trí đầu lớp và có thành tích đáng nể trong học tập.
Hãy tỏ ra tâm lý và hiểu được cảm giác của con trước những tình cảm ngây thơ của bé ở lứa tuổi này. Nếu bạn càng cấm đoán, trẻ càng không muốn chia sẻ những “cảm xúc đặc biệt” với bạn và càng muốn học tập những cách của người lớn để thể hiện tình yêu với người bạn khác giới. Động viên và trò chuyện cùng con cũng là cách để bảo vệ con và giúp cho tình cảm mẹ con ngày càng gắn bó.
Trẻ từ 10 đến 12 tuổi
Độ tuổi này được coi là thời kỳ khó khăn nhất trong việc trò chuyện về giới tính cùng con. Đừng để mặc con với đống bài vở ở trường và cho rằng nhà trường phải có trách nhiệm dạy con về điều đó. Hãy dành nhiều thời gian để cùng trẻ “giải mã” những thắc mắc về giới tính mà con bạn vẫn muốn tìm hiểu. Cách tốt nhất là mẹ nên nói chuyện với con gái và bố sẽ nói chuyện với con trai để giúp con hiểu hơn về vấn đề nhạy cảm này.
Bạn có thể bắt đầu với con bằng những chủ đề như tình bạn, các mối quan hệ của con ở trường, ở nhà, ở những nơi công cộng khác... Vấn đề sẽ dần dần được chuyển sang việc tìm hiểu về tâm lý cũng như thể chất, về những thay đổi trong tình cảm, cảm xúc của các bạn trai, bạn gái trong suốt quãng thời gian dậy thì.
Thời điểm này, bạn cũng có thể nói một cách trực tiếp, cụ thể về chức năng của các bộ phận khác trong cơ thể như buồng trứng, âm đạo, tinh trùng,... để các bé từ từ hiểu được việc thụ thai diễn ra như thế nào và em bé ra đời từ đâu. Tất nhiên, việc trò chuyện kiểu này không hề đơn giản và chưa chắc đã khiến các bé hứng thú.
Bạn cũng nên trông chừng và chờ đợi phản ứng của trẻ. Vấn đề này không thể được nói ra chỉ trong một sớm một chiều. Nếu bé tỏ ra chán nản và không muốn nghe bạn nói, bạn nên kết thúc và chờ đợi một thời điểm thích hợp hơn, như tới lúc bé lớn hơn một chút chẳng hạn.